Ngập dịch máy nén là một trong những sự cố phổ biến nhất, thường gặp ở các hệ thống lạnh, đặc biệt là những hệ thống có biến tải lớn hoặc sử dụng van tiết lưu tay.
Trong các hệ thống lạnh sử dụng máy nén trục vít, đây không được coi là sự cố nghiêm trọng. Thế nhưng, với những loại sử dụng máy nén piston, nếu không xử lý kịp thời thì sự cố có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng khác gây hỏng máy nén.
Mức độ ngập dịch
Một trong những việc đầu tiên cần làm khi xử lý sự cố liên quan đến ngập dịch là xác định mức độ ngập dịch của máy nén. Tùy vào loại máy và mức độ nghiêm trọng, ngập dịch máy nén sẽ được xử lý theo những cách tương ứng.
Các trường hợp được chia như sau:
- Ngập dịch nhẹ một máy độc lập
- Ngập dịch nặng một máy độc lập
- Ngập dịch nhẹ một máy trong hệ thống máy liên hoàn ở tầm thấp
- Ngập dịch nặng một máy trong hệ thống máy liên hoàn ở tầm thấp
- Ngập dịch nhẹ một máy trong hệ thống máy liên hoàn ở tầm cao
- Ngập dịch nặng một máy trong hệ thống máy liên hoàn ở tầm cao
Trong mọi trường hợp, sự cố nên được giải quyết nhanh chóng và kịp thời để hạn chế sự cố không mong muốn khác có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến hoạt động của máy nén nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Những nguyên nhân gây ngập dịch
Một số nguyên nhân gây ngập dịch máy nén phổ biến bao gồm:
- Van tiết lưu mở quá lớn so với nhiệt tải dàn lạnh, một lượng dịch không được bay hơi sẽ di chuyển về phía máy nén do chênh áp.
- Dàn lạnh chứa nhiều dầu nên hệ số truyền nhiệt giảm, nhiệt lượng trao đổi qua dàn lạnh giảm khiến lượng dịch bay hơi giảm làm ngập dàn lạnh
- Dàn lạnh đóng tuyết nhiều khiến hệ số truyền nhiệt giảm, năng suất lạnh giảm và lượng dịch bay hơi giảm
- Hệ thống điều khiển cấp dịch tự động gặp một số sự cố như công tắc phao bị kẹt hoặc hư hỏng thiết bị ngắt van điện từ làm dịch vẫn được cấp liên tục vào bình đã quá mức cho phép, hoặc van điện từ có vấn đề nên không đóng kín hay không ngắt điện làm dịch cấp liên tục bay hơi
- Quạt dàn lạnh hỏng làm hệ số truyền nhiệt giảm, năng suất lạnh giảm và lượng dịch bay hơi giảm
- Hệ thống kiểm soát cấp dịch ở máy hai cấp hoạt động không chính xác.
Hậu quả do ngập dịch máy nén gây nên
Ngập dịch máy nén ở những loại máy khác nhau, mức độ khác nhau sẽ gây ra những hậu quả ở mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, ngập dịch không làm máy ngừng hoạt động nhưng năng suất lạnh giảm. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, máy sẽ ngừng hoạt động và ảnh hưởng tới hoạt động trong hệ thống nếu không sử dụng hệ thống liên hoàn và gây mất an toàn cho người sử dụng.
Ngay cả khi máy được xử lý ngay khi gặp sự cố, cũng tốn rất nhiều thời gian để sửa chữa và đưa máy hoạt động trở lại như bình thường. Trong trường hợp xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy do bôi trơn kém. Một số vấn đề khác trong quả trình xử lý sự cố có thể gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường (nhất là khi thay dầu máy nén).
Đồng thời, đi cùng với việc hệ thống máy nén ngừng hoạt động, hiệu quả làm lạnh của hệ thống giảm làm tăng thời gian cấp đông hoặc chậm hạ nhiệt độ bảo quản,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các sản phẩm.
Các trường hợp ngập dịch và biện pháp xử lý
Máy nên một cấp độc lập, ngập dịch nhẹ
- Dấu hiệu:
– Trên cacte bám một lớp tuyết mỏng, dầu sủi bọt
– Cường độ dòng điện của máy nén tăng
– Áp suất máy nén tăng lên cao hơn bình thường một chút
- Cách xử lý
– Đóng bớt hoặc đóng van tuần hoàn chặn hút
– Điều chỉnh tiết lưu ngay khi ngừng cấp dịch
– Máy nén liên tục hoạt động, mở van by-pass nối giữa đường xả của máy nén với phía dưới van chặn hút để đưa gas vào máy nén
– Mở dần van chặn hút và theo dõi áp suất hút, ampe kế
Máy nén một cấp độc lập, ngập dịch nặng
-
Dấu hiệu
– Cacte đóng tuyết dày, dầu sủi bọt trắng
– Va đập thủy lực
– Áp suất dầu giảm
– Áp suất nén tăng, tải máy nén tăng
– Nếu ngập dầu nghiêm trọng thì máy ngừng hoạt động
- Biện pháp xử lý, sửa chữa hệ thống
– Ngừng hoạt động của máy nén ngay lập tức, ngừng cấp dịch
– Đóng van chặn hút và chặn nén
– Nối ống nhựa vào van xả dầu và môi chất lỏng ra khỏi máy nén ( đảm bảo đồ bảo hộ, đeo mặt nạ nếu máy nén là loại máy amoniac)
– Hâm nóng dầu đưa vào máy nén bằng cách khởi động lại hệ thống máy hoặc thay dầu mới
– Sau khi nạp dầu trở lại thì mở từ từ van chặn hút, đặc biệt chú ý không để ngập dịch xảy ra
– Theo dõi đến khi hệ thống hoạt động ổn định. Xả sạch dầu trong cacte bằng van by-pass với áp suất 1-2Kg/cm2.
Xem tiếp Phần 2: Xử lý sự cố ngập dịch máy nén
Bài viết có sử dụng tài liệu tham khảo : Vận hành, sửa chữa và lắp đặt máy lạnh công nghiệp- TS. Lê Văn Khẩn